Những năm gần đây, từ khóa Blockchain ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm trong lĩnh vực công nghệ và kinh tế. Nó đã được nhắc đến nhiều cùng với mạng tiền ảo Bitcoin. Blockchain là một khái niệm công nghệ, còn Bitcoin là một hệ thống cụ thể triển khai công nghệ này. Thực tế thì tiềm năng ứng dụng của Blockchain còn vượt rất xa lĩnh vực tài chính ảo. Cụ thể với bài toán quản lý các nguồn lực doanh nghiệp (ERP), nó có thể xuất hiện trong hầu hết các khía cạnh nghiệp vụ và ở bất cứ ngành nghề nào.
GIỚI THIỆU BLOCKCHAIN
Phụ lục :
- Blockchain là gì? Ứng dụng Blockchain trong doanh nghiệp
- Lợi ích của Blockchain cho ERP và quản lý nguồn lực doanh nghiệp
- Blockchain và ERP: Giải pháp cho hệ sinh thái doanh nghiệp
- Giải pháp của các “ông lớn” – IBM, SAP, Microsoft trong ứng dụng Blockchain
- Tích hợp Blockchain với ERP đem lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?
Blockchain có thể coi như một sổ cái được quản lý phân tán trên một mạng ngang hàng (peer-to-peer network), trong đó mỗi nút mạng được điều khiển độc lập. Các nút trong mạng đều có thể lưu trữ một bản sao dữ liệu và truy cập dữ liệu nếu được phép. Trên mạng ngang hàng, không có một thành viên nào nắm quyền kiểm soát tập trung. Việc phê duyệt hay từ chối một giao dịch được thực hiện dựa trên sự đồng thuận của các nút theo một quy chế (thuật toán) tuân thủ bởi tất cả các thành viên trong mạng. Như vậy, các thành viên đồng thuận chấp nhận một giao dịch, nó sẽ được mã hóa và lưu trữ trong Blockchain. Khi đó, dữ liệu này gần như không thể thay đổi được. Điều đó đảm bảo cho Blockchain duy trì được tính toàn vẹn dữ liệu và an toàn trước những cuộc tấn công phá hoại.
Về mặt kỹ thuật, Blockchain là một chuỗi các khối (block), mỗi khối chứa một số giao dịch. Một khối chứa giá trị băm của khối trước nó – một “mã vân tay” để xác thực nội dung của khối dựa trên thuật toán băm. Nếu một giao dịch bị sửa chữa trái phép, giá trị băm của nó sẽ thay đổi và điều đó phá vỡ luật liên kết giữa các khối. Điều đó đảm bảo cho dữ liệu trong Blockchain không thể bị giả mạo.
Trên thực tế, mô hình hoạt động của các doanh nghiệp đều rất phức tạp. Mỗi doanh nghiệp không phải một ốc đảo duy nhất mà luôn cần tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin với các đơn vị khác, bao gồm: đối tác, khách hàng, cơ quan quản lý, thậm chí đến cả những cá nhân đơn lẻ. Mối quan hệ này tạo ra một hệ sinh thái phát triển cho doanh nghiệp. Hệ thống ERP cũng không đứng ngoài bối cảnh đó. Nó cần hỗ trợ kết nối trao đổi thông tin, tích hợp các quy trình nghiệp vụ một cách thuận tiện và an toàn nhất giữa doanh nghiệp với các đơn vị khác trong hệ sinh thái này.
Hệ thống thông tin truyền thống bộc lộ nhược điểm lớn nhất ở những điểm kết nối giữa các hệ thống (các hệ thống quản lý các mảng nghiệp vụ khác nhau hoặc các đơn vị tổ chức khác nhau). Thông tin truyền từ hệ thống này sang hệ thống khác dễ dàng bị tấn công, lấy trộm hoặc giả mạo thông tin. Dễ dàng phát sinh sai lệch của cùng một giao dịch hoặc chứng từ lưu trên nhiều hệ thống. Cơ chế kiểm soát và phê duyệt tập trung cũng là điểm yếu dẫn đến sập toàn hệ thống nếu bộ phận quản lý tập trung đó bị tấn công hoặc bị chiếm quyền kiểm soát.
Theo một thống kê của IBM Global Financing – đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính cho hơn 125 nghìn khách hàng tại trên 60 quốc gia, mỗi năm họ phải xử lý hơn 25 nghìn tranh chấp về các giao dịch tài chính giữa các khách hàng và có thời điểm tổng giá trị các hóa đơn bị tranh chấp lên tới hơn 100 triệu đô la. Họ phải mất trung bình 44 ngày để xử lý một tranh chấp. Và IGF đã giải quyết tốt vấn đề của mình, giảm được 75% thời gian xử lý tranh chấp tài chính, nhờ ứng dụng công nghệ Blockchain.
KẾT HỢP BLOCKCHAIN VỚI ERP CÓ LỢI ÍCH GÌ?
Các ưu điểm về bảo mật, chia sẻ thông tin, chống giả mạo và lưu vết giao dịch trên Blockchain cho phép công nghệ này có thể áp dụng để tăng cường khả năng liên kết thông tin, tích hợp quy trình nghiệp vụ giữa các đơn vị trong hệ sinh thái của doanh nghiệp. Chúng ta sẽ thấy Blockchain không chỉ là mạng tiền ảo Bitcoin mà sẽ có mặt trong tất cả các lĩnh vực thương mại và công nghiệp.
Trong các doanh nghiệp sản xuất, ứng dụng Blockchain giúp doanh nghiệp giảm yêu cầu thu hồi sản phẩm khi có vấn đề phát sinh. Nó cho phép chia sẻ nhật ký sản xuất giữa tất cả những nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM). Do đó khi có lỗi phát sinh ở bất cứ điểm nào, có thể xác định chính xác và nhanh chóng những sản phẩm bị ảnh hưởng và cần phải thu hồi. Tất cả các nhà sản xuất trong hệ sinh thái có thể kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa và giao dịch thanh toán, từ đó nâng cao tốc độ xử lý giao dịch và giảm thiểu rủi ro. Kết hợp Blockchain với ERP giúp cho doanh nghiệp tài chính giảm thiểu lỗi ghi nhận lặp các giao dịch tài chính và thực hiện thanh toán nhanh và an toàn hơn. Các giao dịch được đảm bảo thực hiện minh bạch và tin cậy.
Trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, những doanh nghiệp tham gia vào đó phải tuân thủ ngày càng nhiều quy định và cam kết như: Mã sản phẩm chung (UPC), Nước xuất xứ (COO), Chỉ thị về hạn chế các chất nguy hiểm (RoHS)… Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp có hệ thống thông tin quản lý đóng kín (hoặc có khả năng tích hợp hạn chế với các hệ thống bên ngoài) như các mô hình quản lý phổ biến hiện nay đang dần bộc lộ nhiều nhược điểm như: khả năng tuân thủ đồng bộ giữa các doanh nghiệp trong chuỗi, mức độ tin cậy và minh bạch thông tin, khả năng tự động hóa trong các quy trình nghiệp vụ tích hợp và tốc độ thu thập/truy vết thông tin. Ứng dụng công nghệ Blockchain giúp doanh nghiệp giải quyết các nhược điểm này. Chuỗi cung ứng thực phẩm sẽ dễ dàng trả lời được câu hỏi một sản phẩm đã được canh tác từ nông trại nào, sử dụng phân bón gì; hay thịt được chế biến từ con vật nuôi ở đâu, hồ sơ sức khỏe ra sao… Chuỗi cung ứng sản phẩm may mặc có thể dễ dàng xác định được nguồn gốc của từng bộ phận làm nên sản phẩm như tấm vải được dệt ở đâu, sợi tơ sản xuất như thế nào… Chuỗi cung ứng ô tô cho phép nắm được thông tin của toàn bộ quá trình sản xuất các bộ phận – linh kiện bởi hàng nghìn nhà cung cấp khác nhau và có thể truy vết đến tận từng nguyên vật liệu đầu vào.
Ngày nay phương pháp tương tác phổ biến giữa các ứng dụng ERP là dựa trên EDI (Electronic Document Interchange), phương pháp trao đổi các chứng từ điện tử như đơn đặt hàng, hóa đơn, phiếu giao hàng… EDI được trao đổi giữa các thành viên tham gia Blockchain sẽ trở nên an toàn và hiệu quả hơn. Các hồ sơ đính kèm như hợp đồng, thỏa thuận, xác nhận… đã lưu trên Blockchain và không cần thiết phải lưu trên hệ thống giao dịch nữa. Điều đó giúp cho các giao dịch được thực hiện hoàn toàn minh bạch.
Tích hợp Blockchain với ERP có thể đem đến những lợi ích chính sau:
CÁC GIẢI PHÁP TÍCH HỢP BLOCKCHAIN VÀ ERP
Khi mỗi tổ chức duy trì một cơ sở dữ liệu của riêng mình thì sự tin cậy về dữ liệu giữa các tổ chức không được bảo đảm. Thực trạng này khiến các hãng công nghệ lớn trên thế giới không đứng ngoài cuộc và tận dụng sự phát triển của Blockchain để giải bài toán về chia sẻ dữ liệu trong tổ chức.
Giải pháp IBM Blockchain thiết lập cơ chế tin cậy khách quan để chia sẻ dữ liệu giữa tất cả các tổ chức trong một mạng lưới doanh nghiệp. IBM Blockchain hỗ trợ tích hợp với các ứng dụng Oracle ERP trên điện toán đám mây. Nó được xây dựng với mục tiêu cung cấp:
- Một mạng kết nối các nhà cung cấp, khách hàng, ngân hàng, dịch vụ logistics và các đối tác thương mại khác, cùng tham gia vào các quy trình nghiệp vụ ERP;
- Các quy trình nghiệp vụ được số hóa, bao gồm các giao dịch về hàng hóa, dịch vụ, tài sản xuyên suốt hệ sinh thái của doanh nghiệp;
- Sổ cái duy nhất chia sẻ với tất cả các bên tham gia mạng lưới. Các giao dịch được ghi nhận qua Blockchain được đảm bảo an toàn, tin cậy, không bị phá hoại và hoàn toàn minh bạch giữa các tổ chức với nhau.
SAP cung cấp nền tảng SAP Cloud Platform Blockchain (SCP Blockchain) thuộc bộ giải pháp SAP Leonardo. SCP Blockchain không thay thế các nền tảng Blockchain có sẵn như Bitcoin, Ethereum hay Hyperledger fabric mà nó thiết lập môi trường trung gian tương tác giữa các ứng dụng SAP và nền tảng Blockchain. Hiện tại SCP Blockchain hỗ trợ Hyperledger fabric và MultiChain. Hình dưới đây minh họa kiến trúc của SCP Blockchain. Theo kiến trúc này, các nền tảng Blockchain khác sẽ có thể được kết nối thêm với SAP trong tương lai.
SCP Blockchain kết nối với mạng Blockchain và ứng dụng SAP thông qua các dịch vụ cloud trên SAP Cloud Platform. Nó bao gồm hai cấu phần chính:
- SAP HANA Blockchain service – Dịch vụ điện toán đám mây được thiết lập trên SAP Leonardo Blockchain.
- SAP HANA Blockchain adapter – Dịch vụ tích hợp dữ liệu thông minh (Smart Data Integration) để kết nối SCP Blockchain với SAP HANA.
Hai cấu phần này đảm bảo cho những giao dịch trên Blockchain cũng được sao lưu trên SAP HANA. Mối liên kết này được tiến hành hai chiều, có nghĩa là một giao dịch thực hiện trên SAP HANA cũng sẽ được sao lưu trên Blockchain và có thể được truy cập bởi các ứng dụng khác nếu được phép. Blockchain có thể được triển khai trên một nền tảng hạ tầng độc lập và kết nối với ứng dụng SAP thông qua SCP Blockchain hoặc có thể cài đặt trên chính SAP HANA Cloud Platform.
Theo cách như vậy, các giao dịch trên ứng dụng của SAP như ERP, CRM, SCM… đều có thể được ghi lại trên Blockchain để phát huy những ưu điểm của công nghệ này. Với mô hình tương tự, nền tảng điện toán đám mây Azure của Microsoft cung cấp Azure Blockchain Workbench – môi trường phát triển Blockchain và cho phép kết nối với các ứng dụng quản lý như Microsoft Dynamics 365 hoặc ứng dụng của bên thứ 3. Hiện tại Azure Blockchain Workbench hỗ trợ Ethereum.
Những hãng cung cấp giải pháp ERP ngày nay không còn chỉ tập trung phát triển những tính năng nghiệp vụ thuần túy trên sản phẩm của mình nữa, mà còn tích hợp những công nghệ mới như: Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng di động… tạo ra cuộc cách mạng về nền tảng công nghệ trong lĩnh vực này.
Ứng dụng Blockchain không còn xa vời mà đã thực sự được phát triển và tích hợp trong những giải pháp ERP quen thuộc như SAP, Oracle, Microsoft… Khi ứng dụng công nghệ mới này, các tổ chức và doanh nghiệp không còn chỉ vận hành với một hệ thống quản lý cô lập như trước đây, mà có thể liên thông quy trình nghiệp vụ một cách hiệu quả với những đối tác, khách hàng… và chủ động hòa nhập cùng phát triển với hệ sinh thái rộng lớn của mình.
Kết luận:
“Việc tích hợp Blockchain với ERP đang trở thành xu hướng tất yếu cho các doanh nghiệp trong thời đại số. Với ưu điểm về bảo mật, minh bạch và khả năng kết nối thông tin, Blockchain không chỉ là giải pháp cho tài chính mà còn có thể ứng dụng trong mọi lĩnh vực, từ chuỗi cung ứng, sản xuất đến quản lý tài chính doanh nghiệp. Các giải pháp tiên tiến từ IBM, SAP và Microsoft mở ra những cơ hội phát triển mới, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tối ưu hóa quy trình và tạo dựng lợi thế cạnh tranh.”
Pingback: Chuyển đổi số là gì? Tầm quan trọng của chuyển đổi số doanh.....